Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Xe thổ mộ, ký ức một thời đã xa


Những năm đầu tiên của thập kỷ trước, người dân miền Tây Nam Bộ đi lại chủ yếu bằng ghe xuồng, người miền Đông hầu như chỉ đi bằng xe ngựa.

Hồi đó ở Sài Gòn, người ta dễ dàng bắt gặp bóng dáng liêu xiêu của chiếc xe ngựa nhỏ, chất đầy trầu cau, rau cải dọc ngang đi về trên các ngả đường. Nó còn văng vẳng cả tiếng nhạc ngựa leng keng, tiếng tróc mã của người đánh xe, tiếng huyên náo của mấy bà hàng đi chợ sớm. Bây giờ, dù có tiếc, có nhớ nhung nhưng người Sài Gòn cũng đành ngậm ngùi... âm thanh ấy đã thuộc về quá khứ.

Hình ảnh chiếc xe ngựa hay còn gọi là xe thổ mộ đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam. Tên thổ mộ có nguồn gốc từ chữ thụ mã mà người Hoa ở Việt Nam thường đọc là thụ mạ. Họ đọc trại âm nhiều lần rồi thành thổ mộ. Người Tây gọi chiếc xe đó là Boite d`allumettes (xe hộp quẹt). Người mình gọi nó là xe thổ mộ vì cái thùng liền với cái mui cong cong giống như một cái mả đất.



Posted Image

Xe thổ mộ xuất hiện trong đường phố Sài Gòn và những vùng quê lân cận từ thập niên 40. Hồi đó loại xe này dùng để chở người đi lại trong vùng hay vận chuyển hàng rau cải từ những vùng quê lên Sài Gòn. Mỗi khi có việc trong vùng đi mua sắm, viếng thăm, cưới xin, người ta đều chọn phương tiện xe ngựa.

Những buổi sớm tinh mơ, người dân thành phố một thời vẫn quen chờ nghe tiếng vó ngựa lóc cóc gõ trên đường nội ô như đón chào một ngày mới. Đó là những chuyến xe chở hàng từ ngoại thành vào bán trong buổi chợ sớm. Hồi đó ở Sài Gòn có rất nhiều bến xe ngựa, chạy đủ trên các tuyến đường. Bến xe ngựa trước chợ Bến Thành rất đông xe và nhộn nhịp. Xe vào bến phải xếp tài, khi nào đủ khách (khoảng 6 - 7 người) mới lên đường.

Ngày đó, không phải ai cũng có xe hơi, xe máy dầu hay có nhiều tiền để thuê những phương tiện sang trọng nên mỗi khi có dịp đi chơi khoảng năm sáu người lại rủ nhau thuê một chiếc xe thổ mộ. Họ vừa đi vừa ngắm cảnh, mà giá cả lại phải chăng hợp với túi tiền của những tầng lớp bình dân. Tháng Chạp, tháng Giêng, từ Sài Gòn - Gia Định ngồi xe thổ mộ xuống Chợ Đệm uống chơi chơi vài chung rượu, ăn chơi mấy miếng thịt luộc với tô cháo lòng cũng có thể coi như một chuyến tất niên, một chuyến du xuân.

Posted Image

Đi xe ngựa thích thú nhất là được ngồi phía sau hai chân thòng xuống thoải mái, gác lên cái bửng sắt nhỏ dùng làm chỗ leo lên xe. Xe chạy chầm chậm trên những con đường gió mát từ bờ sông Sài Gòn làm dịu đi cái nắng gắt của thành phố.

Ngày nay giữa thành phố đông đúc nhộn nhịp đủ các loại xe hơi, xe gắn máy. Những chiếc xe thổ mộ ấy đã đi vào dĩ vãng. Chỉ thỉnh thoảng vào những mùa Tết Nguyên Đán, người Sài Gòn mới thấy lác đác một vài chiếc xe thổ mộ xưa cũ từ ngoại thành vào chợ lúc còn sớm tinh mơ. Những lúc ấy có người lại nhớ vềì thời xa xưa, một phương tiện đã góp phần tô đẹp thêm cho nét văn hóa của Sài Gòn.

Posted Image

Dẫu biết ngày nay xã hội đang phát triển một cách nhanh chóng, hiện đại, người ta có thể chọn nhiều phương tiện sang trọng hơn nhiều. Nhưng hình ảnh chiếc xe thổ mộ vẫn gắn liền với cuộc sống của con người nơi đâỵ. Với nhiều người nó là một phần cuộc đời với những buồn vui của quá khứ về một thứ nay chỉ còn trong hoài niệm, của mỗi người dân đất Sài thành. “Em còn nhớ hay em đã quên/ Nhớ đường dài qua cầu lại nối/ Nhớ những con sông nối bao dòng kinh/ Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng/ Nhớ xôn xao hàng quán đêm đêm...”

Nguồn : nguoiduatin.vn 


Posted ImageNhiếp ảnh gia: Huỳnh Tâm

‒ Người dân nông thôn Miền Nam di chuyển mọi nơi bằng xe Thổ Mộ, ở Sài Gòn thường thấy những bến xe Thổ Mộ tại ven Chợ Lớn, Sài Gòn như chợ Tôn Đản, Tân Thuận Quận 4, hay chợ Lăng Ông Gia Định v.v... xa hơn có bến xe Thổ Mộ khá sầm uất, nằm trên trục lộ giao điểm trao đổi hành hoá như chợ Ma Cần Giuộc. Chợ này có từ bao giờ không ao rõ, có người nói vào thời Pháp thuộc, chợ sinh hoạt từ 12 giờ đêm đến 4 giờ sáng, sau đó trả lại cho không gian một khu đất vắng vẻ. 


Trăm năm xe thổ mộ 

VH- Đã từ lâu, người ta không còn thấy bóng dáng những chiếc xe thổ mộ rong ruổi trên các nẻo đường quê. 

Cái tiếng lắc cắc, đều đều... từ cổ xe ngựa kéo là hình ảnh thân thương của người dân Sài Gòn - Gia Định và các tỉnh Nam Bộ một thời. Trải bao thăng trầm thời cuộc, tưởng chừng như xe thổ mộ chỉ còn lại trong ký ức của người già...Vậy mà ở đất Thuận An, Bình Dương vẫn có một ông lão nguyện suốt đời làm anh... “xà ích”.

Posted Image

xe thổ mộ và ông xà ích Hai sộp

Xe của người Nam Bộ

Chẳng biết chính xác xe thổ mộ ra đời lúc nào, nhưng theo nhiều tài liệu ghi chép vào những năm đầu của thế kỉ trước, khi người Pháp đưa vào nước ta những chiếc xe song mã sang trọng do ngựa kéo để phục vụ nhu cầu đi lại... xuất hiện khá nhiều ở Nam Kỳ. Có lẽ từ đó, người dân Nam Bộ đã tự mày mò chế tạo “riêng” cho mình một loại xe ngựa mô phỏng theo kiểu xe song mã của người Pháp, nhưng tính năng sử dụng lại ưu việt, giá cả lại bình dân nên rất được người dân Nam Bộ ưa chuộng.

Trở lại câu chuyện ông lão nguyện suốt đời làm “xà ích”, tôi ghé về Bình Dương, nơi một thời xe thổ mộ ngược xuôi trên khắp các nẻo đường làng của vùng quê trù phú này. Không mất quá nhiều thời gian để tìm được nhà lão “xà ích” Trần Văn Hai, tên thường gọi là Hai Sộp. Ở cái ấp Hưng Thọ, xã Hưng Định, huyện Thuận An này, ông Hai Sộp là người quá nổi tiếng với bà con chòm xóm. Nổi tiếng bởi ông là “diễn viên” từng đóng rất nhiều phim, mà phim nào ông cũng “trung thành” với một vai diễn duy nhất đó là người đánh xe thổ mộ... Bởi vì ông hiện là người vẫn còn lưu giữ nhiều chiếc xe thổ mộ cổ, cũng như phục chế, đóng mới được những chiếc xe thổ mộ nguyên bản xưa... Đặc biệt trong tàu ngựa nhà ông luôn có 3 đến 4 chú ngựa ô thuần thục trong việc kéo xe thổ mộ mà không phải ai cũng có.


Posted Imagengười Pháp gọi xe thổ mộ là Malabar 

Tiếp chuyện tôi ngay tại xưởng xe thổ mộ nhà mình, ông Hai Sộp đã cho tôi hiểu và biết thêm nhiều điều thú vị về chiếc xe thổ mộ. Ví như nói về sự ra đời của tên chiếc xe thổ mộ. Đã có rất nhiều cách giải thích khác nhau nhưng ở đây tôi xin ghi lại lời ông Hai Sộp, sinh ra trong một gia đình có 3 đời làm nghề xe thổ mộ: “Sở dĩ người ta gọi là xe thổ mộ bởi xe được kéo bằng một con ngựa dùng để chở hàng hóa, khách bộ hành vùng ngoại ô Sài Gòn, Chợ Lớn, Lái Thiêu... Ngoài ra, mui chiếc xe còn có hình khum cong như một nấm mộ (mã đất) nên xe được gọi là xe thổ mộ”. Theo ông Hai Sộp, để đóng một chiếc xe đúng tiêu chuẩn đòi hỏi người thợ phải tuân thủ đúng những yêu cầu sau: Thùng xe có chiều dài gần 1,2m, cao 1m, bề rộng của thùng xe là 0,85m và phía trên thùng xe phải chia ra làm 3 ô cửa sổ. Thùng xe được kết nối với càng xe có chiều dài 2,7m, gỗ để làm càng xe nhất thiết phải là gỗ Giáng Hương. Ngoài ra nét đặc sắc nhất của chiếc xe thổ mộ đó là ở bánh xe. Mỗi bánh xe thổ mộ được ghép từ 6 miếng gỗ, gắn kết với 12 chiếc căm cắm vào trục bánh xe. Gỗ làm bánh xe cũng phải là gỗ Giáng Hương để tránh bị nứt, nẻ... khi chạy. Sau đó dùng niềng sắt trở ngược hình chữ U gắn bao quanh bánh xe rồi hàn lại sao cho tròn, cho khít và ngoài cùng được đệm một lớp cao su cắt từ lốp xe hơi. Điều đặc biệt của bánh xe thổ mộ là không dùng bạc đạn, mà tra trực tiếp bánh xe vào trục xe để chạy. Do đó khi chạy xe phát ra tiếng kêu lóc cóc đều đều, mà theo lời của ông Hai Sộp dân trong nghề thông qua tiếng kêu đó để khẳng định “đẳng cấp” của xe.

Lão xà ích... níu giữ hồn quê

Suốt cuộc đời gần 80 năm nay, lão xà ích Hai Sộp vẫn cặm cụi với cái nghề “cha truyền con nối” này của gia đình mình. Dẫu biết rằng cuộc sống ngày càng hiện đại hóa thì những chiếc xe thổ mộ của ông ngày càng ít người nhớ đến... Biết thì biết vậy, nhưng ông vẫn luôn gìn giữ và trân trọng nó như báu vật. Ông vẫn luôn tự hào rằng ở Việt Nam hiện nay ông là người duy nhất có đủ bộ cả xe lẫn ngựa, và khi cần có thể sản xuất được cả xe mới... đó là điều không phải “tay xà ích” nào cũng làm được. Nheo nheo đôi mắt, ông nhớ lại: Cách đây hơn chục năm khi nghề sản xuất, chạy xe thổ mộ không còn được thịnh nữa nên nhiều người đã bán ngựa, cất xe... chuyển sang nghề khác kiếm sống. Nhưng đối với bản thân tôi thì đây là “cái nghiệp” nên tôi vẫn quyết đi “lượm lặt, thu gom” tất cả những gì liên quan đến xe thổ mộ để bây giờ có trong tay một kho “hàng hiếm” những ví, trục, nhíp, chuông... đều ngót nghét cả trăm năm tuổi. Để theo được nghề đến tận ngày hôm nay, bản thân ông cùng gia đình đã phải vượt qua muôn vàn khó khăn của cuộc sống. Nhưng với tình yêu nghề, quý trọng những gì mà cha ông để lại đã giúp ông gìn giữ, bảo tồn thành công nhiều “tư liệu” quý về xe thổ mộ...

Ngày nay, giá một chiếc xe thổ mộ được bán ra từ 35 đến 40 triệu đồng tùy loại. Nhưng người ta mua xe không phải để chạy mà để trưng bày, làm vật trang trí tại các khách sạn, khu du lịch... Ông Hai Sộp cho biết: Trước đây Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương, cũng như nhiều công ty du lịch đã đến đặt vấn đề với ông về việc mở tour du lịch sinh thái bằng xe thổ mộ ở vùng đất Thuận An, Lái Thiêu... nhưng vì nhiều lí do khác nhau nên đến nay vẫn chưa thành. Ông tâm sự: Dạo trước, khi đời sống khó khăn, nhìn thấy cảnh xe thổ mộ bị vứt xó, tôi xót lắm chú à. Nhưng lúc đó mình cũng lực bất tòng tâm. May sao mấy năm trở lại đây, khi nhiều nhà làm phim cần đến xe thổ mộ nên nghề này lại có thể sống được. Thế là từ đó ông kiêm luôn dịch vụ đóng phim, cho thuê xe thổ mộ phục vụ cưới hỏi... Đó cũng là một cách bảo tồn nét văn hóa một thời của người Nam Bộ. 

Nguyễn Hiếu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét