Trong quan niệm người Việt, rồng luôn là con vật linh thiêng, biểu tượng cho quyền uy, sức mạnh. Và hình ảnh "Lưỡng long chầu nguyệt" trên các mái đình đền, chùa chiền, không chỉ biểu tượng cho sức mạnh thần thánh mà còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ, ước vọng của con người và nền văn minh cổ xưa.
Rồng đứng đầu tứ linh
Trong tâm thức người dân Việt Nam, rồng có vị trí đặc biệt về văn hoá, tín ngưỡng, nó biểu tượng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử. Rồng cũng đứng đầu trong tứ linh "long, lân, quy, phượng". Thuyết rồng cũng xuất hiện thuở sơ khai với sự tích "con rồng, cháu tiên" và tập quán trồng lúa nước, trong đó rồng đóng vai trò giúp gió mưa thuận hoà.
Lưỡng long chầu nguyệt" còn ẩn trong đó những giá trị nhân văn, phản chiếu trí tuệ... |
Vào thời kỳ này, rồng cũng được trang trí ẩn hiện trên hình lá đề, cánh sen, ở bệ Đức Phật. Rồng thời Lý có thân hình tròn, uốn lượn nhiều khúc, dài và nhỏ dân về phía đuôi. Chân rồng thường cố định 3 ngón, hình rồng chữ S. Chính sự chặt chẽ về kiến thức đó nên người dân thường trang trí rồng trên các mái đình đền với biểu tượng thiêng liêng. Hình ảnh rồng ngẩng cao đầu, miệng há rộng ngậm ngọc quý, mào rồng hình lửa cùng tai bờm và râu vút lên uy nghi hướng về phía mặt trời là biểu tượng cho sức mạnh thần thánh.
Rồng thời Trần lại khác, tuy kề thừa yếu tố cơ bản của thời Lý nhưng đã có những biến đổi về chi tiết. Rồng bát đầu xuất hiện cặp sừng và đôi tay, mào lửa trên đầu ngắn hơn và phần lưng uốn lượn võng xuống hình yên ngựa.
Rồng thời Lê thì khác biệt hoàn toàn. Các hình dáng được phô bày chứ không chỉ uốn lượn. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là một chiếc mũi to.
Các nhà nghiên cứu dân gian đều đồng ý rằng, rồng đứng đầu trong hàng tứ linh. Hình dáng của rồng mỗi thời một khác là do quan niệm tâm linh và kiến trúc thời đó.
Hiểu đúng về "Lưỡng long chầu nguyệt"
Rồng tượng trưng cho sự phồn vinh và sức mạnh của dân tộc, nhanh chóng trở thành hình tượng biểu hiện uy quyền của nhà nước phong kiến, chỉ dùng nơi trang trọng nhất của cung vua, hay những công trình lớn của quốc gia. Đã có thời triều đình phong kiến chạm khắc hình rồng trên nhà cửa hay đồ dùng gia đình. Nhưng sức sống của con rồng còn dẻo dai hơn khi nó vượt ra khỏi kinh thành, đến với làng quê dân dã. Nó leo lên đình làng, ẩn mình trên các bình gốm, cột đình, cuộn tròn trong lòng bát đĩa hay trở thành người gác cổng chùa. Rồng còn có mặt trõng những bức tranh hiện đại phương Đông, biểu hiện một mối giao hoà giữa nền văn hoá xa xưa bằng những ý tưởng mới mẻ kỳ lạ.
Hình ảnh hai con rồng chầu vào vòng tròn chính giữa xuất hiện trên các nóc đình đền và chùa chiền một thời gây tranh cãi gáy gắt trong giới khoa học. Nhiều người dùng thuật ngữ "Lương long chầu nguyệt" để chỉ đôi rồng chầu về mặt trăng. Những nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho rằng, đó là một sai lầm, vì vòng tròn ở giữa không phải mặt trăng, trăng không thể có ánh lửa bùng cháy.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh giải thích, con rồng là biểu tượng của sức mạnh vũ trụ mà cụ thể là hai lực tương tác Âm - Dương. Khi thể hiện hai con rồng thì không con nào ngậm châu cả. Vì sao? Vì hình tượng hai con rồng là biểu tượng lực Âm - Dương cân bằng, hạt châu lại là biểu tượng của Thái cực, là biểu tượng của vũ trụ.
Nếu hai con rồng đều ngậm châu thì đó là hình ảnh sai lầm do người làm ra thiếu hiểu biết hoặc rập khuôn theo mô-típ chung. Bởi không thể có hai vũ trụ, chỉ khi thể hiện một con rồng - tức là một âm (hoặc một dương) thì mới ngậm châu. Đây chính là biểu tượng của một trong hai thế lực âm (hoặc dương) đang chi phối vũ trụ (âm thịnh thì dương suy hoặc ngược lại).
Như vậy, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh thì đôi rồng hướng về "quả cầu lửa" không phải là "Lưỡng long chầu nguyệt". Có thể gọi đó là "Lưỡng long tranh châu" thì chính xác hơn. Ông Tuấn Anh cũng lưu ý, thuật ngữ "Lưỡng long chầu nguyệt" rất có thể bắt nguồn từ "lý ngư vọng nguyệt" (cá chép ngóng về mặt trăng, tất nhiên mặt trăng ở đây là cái bóng dưới nước).
Tuy nhiên, thuật ngữ "Lưỡng long chầu nguyệt" xuất hiện ngay từ những năm 1930. Trong một cuốn sách nghiên cứu về văn hoá dân gian Việt Nam của nhà nghiên cứu Việt Nam học người Pháp là Le Brenton đã đề cập đến thuật ngữ này một cách rõ ràng. Trong đó, ông cho rằng, hình ảnh "Lưỡng long chầu nguyệt" là có thật và nó bị lai tạo hình ảnh rồng và tính đặc trưng trong quan niệm của người Trung Hoa.
Và ngay trên các mái đình, đền, chùa, miếu, hình ảnh "Lưỡng long chầu nguyệt" cũng được thể hiện với đặc điểm là "đuôi chổng lên, đầu chúc xuống, mắt ngước lên nhìn mặt trăng với ý nghĩa thuần phục". Đó là biểu tượng cho tâm linh thần phục thánh thần. Hình ảnh "Lưỡng long chầu nguyệt" đích thực theo khảo sát của các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, hiện tại còn rất ít nếu không muốn nói là cực hiếm. Cho nên, nhiều người lầm tưởng hình ảnh giữa "Lưỡng long chầu nguyệt" và "Lưỡng long tranh châu" là điều khó tránh khỏi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét